Đòi nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam là trái cam kết quốc tế - đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nói.
Nhiều đại biểu chia sẻ băn khoăn này của bà Thúy khi thảo luận về dự thảo Luật an ninh mạng tại Quốc hội sáng nay 23-11.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) - Ảnh: Quochoi.vn3 khóa cho cùng 1 cửa?
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng quy định "nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Việt Nam" là trái với cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam.
Trong cam kết của WTO, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể, nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam. Cam kết của Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam nêu tương tự. Bà Thúy cũng dẫn thêm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Việt Nam ký kết tháng 2-2016: "Không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của chương này được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình để xem đó như là điều kiện kinh doanh trong lãnh thổ đó, để triển khai công việc".
Hiện Việt Nam đang trong quá trình đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Quy định về địa điểm của hạ tầng công nghệ thông tin không thay đổi so với TPP và phía Việt Nam cũng không đòi hỏi thay đổi.
Do đó, Luật an ninh mạng không nên đặt ra những quy định trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đại biểu Đà Nẵng nói.
"Vì an ninh quốc gia và việc bảo vệ an ninh quốc gia rất quan trọng nên Quốc hội đã ban hành các Luật an ninh quốc gia, an toàn thông tin mạng. Có thể coi 2 luật như hai cái khóa rất chắc chắn. Nay thêm Luật an ninh mạng không khác gì thêm cái khóa thứ ba", bà Thúy phân tích.
"Đề nghị Quốc hội cân nhắc: Hai khóa đã đủ chắc chắn chưa? Nếu thêm một khóa chỉ để khóa cùng một cửa, nhưng lại giao cho một 'người khác' giữ chìa thì chắc hơn, hay cồng kềnh hơn trong thời buổi mở cửa này?".
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) - Ảnh: Quochoi.vnKìm hãm phát triển kinh tế
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) chỉ ra trên thực tế, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông như Google, Facebook chỉ có một số trung tâm dữ liệu để chứa máy chủ trên toàn thế giới chứ không phải ở nước nào cũng đặt máy chủ.
"Quy định như dự thảo sẽ khó thực hiện, nếu các doanh nghiệp nước ngoài như Google, Facebook không chấp nhận đặt máy chủ tại Việt Nam, người dùng tại Việt Nam sẽ không thể sử dụng hai dịch vụ này với nhiều dịch vụ tiện ích, sẽ làm kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế", ông Hà nói.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) thì nhấn mạnh với việc sử dụng công nghệ điện toán đám mây, việc yêu cầu các công ty đa quốc gia đặt máy chủ ở Việt Nam là khó thực hiện.
"Để ngăn chặn các tin tức giả, chúng ta nên xem xét các biện pháp khác như tăng cường mức phạt. Ở Đức, mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu euro đối với hành vi đưa tin tức giả", đại biểu An Giang góp ý.
"Đừng lấy con số hàng 100 triệu USD quảng cáo chúng ta chưa thu được thuế mà chúng ta có thể bị mất hoàn toàn. Vì những quảng cáo đó cũng có những thông tin bổ ích mà mạng xã hội mang lại, là bộ phận rất quan trọng giúp phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao dân trí".
Ông Hiếu dẫn lại số liệu cho thấy Việt Nam hiện có 80 triệu thuê bao Facebook - là một trong những nước có lượng người truy cập mạng xã hội lớn nhất thế giới. Ông đề nghị cân nhắc đồng thời yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển kinh tế xã hội trước khi ban hành luật này.
Theo Lê Thanh (Tuổi Trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét